Bài viết chia sẻ một số phương thức sao lưu dữ liệu tiện dụng để bạn lựa chọn tùy thói quen sử dụng.
Sẽ là thảm họa nếu một ngày đẹp trời, toàn bộ dữ liệu cá nhân trong máy tính bỗng mất sạch mà không có cách nào để phục hồi. Đừng để rơi vào tình huống tồi tệ này và thường xuyên sao lưu dữ liệu cá nhân là cách phòng tránh tốt nhất.
1. Chọn lưu trữ đám mây hoặc ổ cứng di động
Cách tốt nhất bạn nên lưu dữ liệu cả trong ổ cứng di động và sao lưu chúng trên đám mây. Ổ cứng di động (hay ổ cứng gắn ngoài) là phương thức sao lưu nhanh, dễ dàng và giá rẻ. Tuy nhiên mộtsố người dùng có thói quen dùng luôn ổ cứng này với máy tính trong công việc hàng ngày nên rủi ro mất cả “chì lẫn chài”, cả dữ liệu gốc lẫn bản sao dự phòng khi xảy ra cháy nổ hoặc thiết bị trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Thêm vào đó, nếu thường gắn ổ cứng vào máy tính thì sự cố chập điện, nguy cơ lây nhiễm mã độc (malware), dữ liệu bị tống tiền (ransomeware) cũng dễ xảy ra. Vì vậy, hãy nhớ luôn rút ổ cứng ra sau khi sao lưu và cất giữ chúng ở nơi an toàn.
Với lưu trữ đám mây, bạn sẽ không gặp phải những rủi ro trên. Chỉ cần máy tính có kết nối Internet thì quá trình sao lưu sẽ tự động diễn ra mà không cần phải động chân động tay; tất nhiên bạn phải thiết lập sẵn trước đó. Ngoài ra, bản sao dữ liệu được lưu trữ trên một máy chủ ở vị trí địa lý cách xa nên cũng không cần lo lắng về rủi ro thiên tai trong khu vực sinh sống.
Dù vậy điểm hạn chế của lưu trữ trực tuyến là tốc độ chậm hơn đáng kể. Chẳng hạn với lần sao lưu toàn bộ dữ liệu đầu tiên có thể mất nhiều ngày hoặc cả tuần trong khi với ổ cứng gắn ngoài chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Xét về lâu dài thì lưu trữ trực tuyến cũng tốn chi phí nhiều hơn nếu bạn chọn dịch vụ trả phí (tính theo tháng hoặc năm) để sử dụng.
2. Chọn ứng dụng sao lưu
Một ứng dụng sao lưu sẽ cho phép người dùng thiết lập, phân loại và quản lý các dạngdữ liệu cần sao lưu và thậm chí trong trường hợp chỉ cần sao lưu nhóm dữ liệu quan trọng hay một vài thư mục nhất định. Sau khi đã thiết lập profile cho việc sao lưu, chương trình sẽ thực hiện một cách tự động thông qua lập lịch biểu và trong những lần sao lưu tiếp theo, chỉ có các dữ liệu mới, tập tin có sự thay đổi sẽ được cập nhật.
Với Windows 8, một công cụ dễ sử dụng và có sẵn là File History giúp người dùng sao lưu hoặc khôi phục dữ liệu, tương tự ứng dụng Time Machine trên hệ điều hành Mac OS. Công cụ này còn cho phép người dùng lựa chọn, khôi phục phiên bản cụ thể của một tài liệu, văn bản trong trường hợp xóa nhầm. Mặc định File History tự động quét và sao lưu những tập tin có sự thay đổi trong các thư mục như Libraries, Desktop, Favorites và Contacts định kỳ mỗi giờ. Người dùng có thể thay đổi một số thiết lập mặc định của File History, chẳng hạn thay đổi ổ cứng lưu trữ hoặc thời gian, thư mục sao lưu định kỳ.
Điểm cần lưu ý là File History chỉ tự động quét và sao lưu những thư mục trong Libraries của Windows. Vì vậy bạn sẽ cần đến tiện ích của hãng thứ ba như SyncBack, EASEus Todo Backup hoặc AOMEI Backupper. Giống với tên gọi, SyncBack có hai tính năng chính là sao lưu, phục hồi dữ liệu và đồng bộ dữ liệu. Bạn có thể thiết lập profile cho việc sao lưu hoặc đồng bộ dữ liệu thường xuyên một cách tự động thông qua việc lập lịch biểu. Công cụ này còn làm việc với ổ đĩa mạng, FTP servers và cả ổ CD, DVD (theo chuẩn Universal Disk Format).
Không như một số chương trình sao lưu khác, kể cả phần mềm sao lưu có sẵn trong Windows, SyncBack nén file theo chuẩn zip giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và trích xuất lại một tập tin, thư mục bất kỳ bằng những phần mềm nén hỗ trợ chuẩn zip. Bên cạnh đó, thiết kế của SyncBack cũng đáp ứng được yêu cầu người dùng bình thường lẫn người dùng am hiểu kỹ thuật.
Nếu chọn lưu trữ trực tuyến, hiện có khá nhiều dịch vụ “đám mây” miễn phí lẫn trả phí để bạn lựa chọn, chẳng hạn Google Drive, OneDrive, Dropbox, Box, Suger Sync… Trước khi chọn mặt gửi vàng, bạn cần xem xét các yếu tố như tính năng hỗ trợ, chất lượng dịch vụ, dung lượng lưu trữ, hỗ trợ truy cập linh hoạt và cả cơ chế mã hóa để bảo vệ những dữ liệu quan trọng.
Một tùy chọn khác nữa là sao lưu trực tuyến và dịch vụ này thường phải trả phí, chẳng hạn dịch vụ của Mozy và Carbonite. Khác với lưu trữ trực tuyến, dịch vụ sao lưu trực tuyến cung cấp một phần mềm dùng để quản lý tài khoản, mã hóa và tải dữ liệu lên. Sau khi cài đặt và thiết lập các thông số cần thiết, gồm cả việc lập lịch sao lưu thì mọi thao tác sau đó đều được thực hiện tự động.
3. Tạo ảnh đĩa sao lưu hệ thống
Phương thức tạo ảnh phân vùng hệ thống (phân vùng cài đặt hệ điều hành) cũng là cách để giữ hệ thống an toàn hơn và cũng giúp bạn trở lại với công việc nhanh nhất khi hệ thống gặp sự cố. Tất nhiên bạn cần thực hiện việc này khi hệ thống đang hoạt động tốt và không cần thường xuyên, chỉ khoảng ba hoặc bốn lần một năm.
Hiện có rất nhiều tiện ích sao lưu hệ thống miễn phí lẫn trả phí, từ công cụ tích hợp sẵn trong Windows 7, Windows 8 cho đến tiện ích sao lưu đáng giá như PowerQuest Drive Image và Acronis True Image của Acronis có sẵn trong đĩa “cứu hộ” Hiren’s Boot để bạn sử dụng.
Lời kết
Các phương thức sao lưu trên không phải là những tùy chọn bắt buộc. Nếu chỉ cần sao lưu vài tập tin quan trọng, bạn vẫn có thể sử dụng phương pháp “cổ điển” là thường xuyên sao chép chúng vào flashdrive đồng thời tạo thêm bảo sao dự phòng trên ổ cứng di động. Tất nhiên việc sao lưu thủ công này khá “vô vị” do phải thường xuyên lặp lại lặp lại các thao tác nhàm chán.
Theo tinhte