Máy ảnh không gương lật đang phát triển một cách chóng mặt, đẩy cả ngành công nghiệp nhiếp ảnh đi lên theo một hướng mới. Nhưng liệu bạn đã nắm rõ về lịch sử của dòng máy này?
Máy ảnh không gương lật hiện là ‘con cưng’ của cả ngành nhiếp ảnh, khi tất cả các hãng lớn đều tham gia sản xuất loại sản phẩm này. Tuy nhiên, máy ảnh không gương lật không phải là công nghệ gì mới mẻ, đã xuất hiện từ rất lâu và càng ngày càng phát triển để có thể cạnh tranh được với SLR.
Hôm nay, chúng ta hãy cùng ‘lên máy thời gian’ để tìm hiểu về lịch sử của dòng máy đang được nói đến rất nhiều này.
Máy ảnh không gương lật là gì?
Theo định nghĩa, bất cứ máy ảnh nào không có thành phần gương giống như SLR đều có thể gọi là máy ảnh không gương lật. Kể cả những chiếc máy film compact nhỏ gọn được mọi người sử dụng cách đây nhiều thập kỉ cũng thuộc dạng máy không gương lật. Song, khi ta nhắc tới máy không gương lật (Mirrorless) trong thời điểm hiện nay thì ai cũng hiểu rằng đó là hệ thống máy có thể thay được ống kính. Một số chiếc máy cao cấp với ống kính gắn liền đôi khi cũng được đặt vào hạng mục này, nhưng mọi người đều ngầm hiểu như vậy là sai.
Tìm hiểu lịch sử phát triển của máy ảnh không gương lật – Tương lai của ngành nhiếp ảnh.
Máy ảnh không gương lật thường nhỏ và nhẹ hơn so với các máy DSLR cùng phân khúc, vì một lí do rất đơn giản đó là máy đã…không có gương lật, bỏ bớt đi một thành phần chiếm diện tích. Do bỏ đi thành phần này, nên các máy không gương lật hiện đại sử dụng ống ngắm điện tử (EVF) hoặc màn hình sau để giúp nhiếp ảnh gia xem ảnh trước khi chụp.
Cội nguồn của dòng máy ảnh không gương lật
Chiếc máy không gương lật đầu tiên trên Thế giới đến từ một hãng mà không ai ngờ tới: Epson. Chúng ta đều nghĩ rằng đây là một hãng sản xuất máy và mực in ảnh, nhưng vào 2004 hãng đã ra mắt chiếc R-D1s, máy không gương lật đúng nghĩa đầu tiên. Đây là một chiếc máy cao cấp, với chất lượng hoàn thiện tuyệt vời và có cả một cần cuộn film để lật màn trập.
Máy ảnh Epson R-D1S từ một hãng chuyên sản xuất sản phẩm ngành in
Chiếc máy thứ 2 là Leica M8, được ra mắt vào năm 2006 và cũng là chiếc máy điện tử đầu tiên của hãng máy ảnh Đức hỗ trợ các ống kính cao cấp dòng M. Lúc ra mắt nhiều người đã lo lắng về chất lượng hình ảnh của nó, vì cảm biến của M8 có vẻ bị nhạy sáng ở dải hồng ngoại.
Leica theo gót của Epson và ra mắt chiếc M8.
Sự phát triển vượt bậc của Micro 4/3
Những chiếc máy đi trước đón đầu nói trên đều là các sản phẩm cao cấp, và không phải ai cũng mua được. Vào 2008, Panasonic là hãng đầu tiên bán ra chiếc máy không gương lật ở mức giá ‘dễ tiếp cận’ đầu tiên sử dụng cảm biến Micro 4/3 (M4/3) đầu tiên trên Thế giới mang tên Lumix G1. Chuẩn M4/3 sau này được cả các hãng như Olympus, Leica, Kodak và Xiaomi sử dụng, và cũng là một chuẩn nổi tiếng với cả những người dùng phổ thông và chuyên nghiệp.
Chiếc máy vô cùng nổi tiếng mang tên Panasonic G1, dòng M4/3 không gương lật đầu tiên.
Những sản phẩm sau này như GH4, GH5 và GH5s của Panasonic đã không tập trung vào vấn đề chụp ảnh, mà ‘đánh’ vào thị trường quay phim với nhiều tính năng phục vụ cho mục đích này. Tính tới thời điểm hiện nay thì những dòng máy nêu trên vẫn được rất nhiều nhà làm phim với vốn đầu tư thấp và trung sử dụng.
Những lựa chọn mới với các cảm biến khác nhau
Vào 2011, Pentax cũng tham gia thị trường không gương lật với chiếc Pentax Q, nhưng thay vì dùng cảm biến và ngàm M4/3 thì có cảm biến 1/2.3 inch nhỏ hơn, làm cho máy cũng bé hơn nhưng chất lượng hình ảnh trở nên kém đi. Cùng năm đó thì Nikon cũng làm điều tương tự với những chiếc Nikon 1 với cảm biến 1 inch, nhưng không hề nhận được sự đón nhận của người dùng và cuối cùng đã bị khai tử trong năm nay.
1 năm sau, Fujifilm công bố chiếc máy X-Pro 1, một chiếc máy không gương lật với cảm biến APS-C, filter X-Trans độc đáo. Đây chính là cội nguồn cho hệ thống Fujifilm X-mount cực kì nổi tiếng sau này của Fujifilm. Hãng cũng đã thêm 2 chiếc máy có cảm biến Medium format là GFX50S và GFX50R vào 2017 và 2018.
X-Pro 1 là mốc son chói lọi cho dòng X-mount của Fujifilm.
Đã đến thời điểm của máy không gương lật Full-frame
Vào 2013, Sony công bố chiếc ⍺7, được coi là bước đà quan trọng cho thị trường máy không gương lật với cảm biến Full-frame chất lượng cao. Sony ⍺7 có cảm biến 24MP giống với Nikon D610, và cả chiếc máy cùng hãng Sony ⍺99 nhưng với một thiết kế nhỏ bé hơn nhiều. Sony độc chiếm thị trường này trong suốt 5 năm, liên tục ra mắt các dòng máy mới với nhiều nâng cấp về công nghệ và không hề gặp sự cạnh tranh nào.
Sự độc chiếm này kết thúc vào 2018, khi Nikon và Canon công bố bộ đôi Nikon Z và EOS R. Panasonic, Leica và Sigma cũng đã thông báo sẽ lập một liên minh để phát triển các máy không gương lật Full-frame, với khởi điểm là bộ đôi S1R và S1.
Chiếc máy không gương lật Full-frame đầu tiên của Sony.
DSLR liệu có phải là hệ thống sắp chết?
2018 là một bước ngoặt lịch sử dành cho ngành nhiếp ảnh nói chung và dòng máy không gương lật nói riêng, khi tất cả các hãng máy ảnh nổi tiếng trên Thế giới, trong đó có cả Canon và Nikon đều ra mắt cho mình những chiếc máy ảnh loại này.
Liệu đây có phải là ‘điềm báo’ cho cái chết đang đến gần của DSLR? Trong thời gian ngắn thì không, đa phần nhiếp ảnh gia và nhà báo vẫn đang sử dụng DSLR và đầu tư rất nhiều phụ kiện, nên họ vẫn sẽ chưa chuyển ngay sang máy không gương lật trong một sớm một chiều. Nhưng đây chính là thời điểm mà lượng máy không gương lật sẽ vượt qua DSLR, ở cả phân khúc bình dân và chuyên nghiệp.
Công nghệ dành cho dòng máy này đã trưởng thành, thời điểm cũng đã chín muồi, máy không gương lật sẽ trở thành loại máy ảnh của tương lai.
Tham khảo Lightstalking