Đồng bộ máy tính ở công ty và máy tính ở nhà tiện cả đôi đường
1. Thiết lập môi trường làm việc 2 bên giống nhau
Môi trường ở đây có nghĩa là phần mềm, các công cụ, thiết lập hệ điều hành… phải y chang như nhau. Nếu bạn setup máy mới thì chịu khó cài thủ công, còn nếu bạn dùng máy Mac thì nó có tính năng rất hay tên là Time Machine. Time Machine sẽ backup máy ở nhà của bạn ra ổ cứng, bạn cầm ổ này cắm vào trên máy công ty để chạy setup lần đầu tiên. Toàn bộ dữ liệu, cài đặt cấu hình, ứng dụng, file… đều được chép sang đầy đủ, rất sướng. Bạn chỉ cần ngồi vểnh râu chờ cho công đoạn setup xong là có thể bắt đầu sử dụng máy tính ngay và luôn.
Trong trường hợp bản backup của bạn có dung lượng LỚN HƠN so với dung lượng ổ cứng còn trống của máy mới, bạn sẽ không thể restore được. Đây là trường hợp của mình (bản backup từ laptop của mình tới 300GB, trong khi ổ SSD của Mac Mini 2018 chỉ 256GB thôi) nên mình chịu khó cài lại từ đầu. Thôi kệ sẵn dịp cài mới máy luôn. Lúc cài mình cài đủ hết mọi app, vị trí lưu file cũng giống nhau (chủ yếu là các file key, file đặc biệt để chạy app chứ không phải dữ liệu quan trọng) để các phần mềm có thể đồng bộ dễ.
Một số ứng dụng cho phép bạn xuất cấu hình / thông tin từ máy này sang máy khác thì bạn nên tận dụng. Ví dụ như của mình là cấu hình để kết nối đến các server trong ứng dụng FileZilla hay các kết nối vào cơ sở dữ liệu trong phần mềm quản lý database… Việc xuất file cấu hình rồi import vào máy mới giúp mình tiết kiệm được nhiều tiếng ngồi cấu hình tay lại.
Những thứ này bạn chỉ cần làm ở lần đầu tiên mà thôi, những lần sau không cần nữa. Việc thiết lập giống nhau đảm bảo rằng bạn có thể làm việc quen thuộc dù bạn đang ở máy nào đi nữa.
2. Dropbox hoặc bất kì giải pháp cloud nào bạn chọn
Dropbox được mình chọn làm giải pháp đồng bộ đám mây chính. Nó là chỗ mình lưu tất cả mọi file quan trọng của mình, từ tài liệu công ty cho đến các quyển sách ebook hay mình lụm lặt được. Mình chọn Dropbox vì nó nhanh, ổn định và dễ dùng, đảm bảo sync ở chỗ nào cũng được. Dropbox còn có chức năng Selective Sync để bạn chọn chỉ sync một số folder cần cho công việc, không cần phải sync xuống hết tốn ổ SSD của máy tính trên công ty.
Nếu không thích Dropbox thì bạn chọn giải pháp khác cũng không sao, OneDrive, Google Drive giờ giá rất tốt, mua gói 200GB hay 1TB xài thoải mái luôn. Bạn thậm chí còn không cần ổ cứng rời nếu bạn đã có dung lượng lớn trên cloud.
Khi nói về cloud chúng ta thường nhớ tới cloud để lưu file thôi, nhưng thật ra còn nhiều thể loại cloud lắm. Hệ thống cloud của các app bạn hay sử dụng để đồng bộ cấu hình giữa nhiều máy, cloud để sync file media giữa các app Adobe… cũng là những thứ bạn nên tận dụng để đảm bảo cấu hình app được sync giữa 2 máy nhà và công ty mà không cần bạn thực hiện thủ công.
À, nếu bạn lưu ảnh thì đừng dùng các dịch vụ cloud này, hơi uổng. Bạn nên sử dụng Google Photos vốn là nơi được tối ưu cho việc lưu trữ hình ảnh. Vừa có giao diện để xem ảnh mọi lúc mọi nơi, tính năng tìm kiếm ảnh cực mạnh, quan trọng hơn là ảnh chụp từ điện thoại được free, không giới hạn số lượng. Mời bạn tham khảo thêm ở bài Chia sẻ: Vì sao Google Photos là nơi lưu trữ ảnh online tốt nhất hiện nay.
3. Cái quan trọng: nhớ đồng bộ, cần tập thành thói quen lưu file thẳng lên cloud
Cái đau nhất khi xài 1 máy ở nhà và 1 máy ở công ty đó là file của bạn có thể không được sync, nên về nhà cần mở ra làm việc thì lại không có file. Để khắc phục điều này, bạn cần tập thói quen lưu thẳng file vào thư mục cloud trên máy. Nhờ vậy mà khi bạn vừa lưu file xong một phát là sync ngay. Chúng ta thường quen lưu file lên Desktop cho nhanh và tiện, nhưng ở trong trường hợp này thì không tốt chút nào (trừ khi bạn dùng iCloud Drive sync luôn cả thư mục Desktop).
Ngay cả khi bạn chỉ dùng 1 máy tính thì cũng nên tập thói quen này vì nó giúp cho bạn nhiều thứ lắm. Bạn sẽ không bao giờ gặp tình trạng mất file chỉ vì máy chết hay đang đi đường thì làm mất máy tính. Thói quen này cần thời gian, bạn cứ cố gắng tập nó mỗi ngày, tầm 1 tháng là quen ngay.
4. Gần như không lưu data gì trên máy
Ý mình ở đây là không có data nào được lưu local trên nội bộ máy mà không được đồng bộ. Việc này sẽ rất khó khăn cho bạn khi sync giữa hai thiết bị với nhau nếu không muốn nói là không thể. Vả lại cách lưu file truyền thống cũng kém an toàn nếu máy gặp sự cố hoặc mất máy thì cũng đồng nghĩa là mất file.
Tất cả file của mình đều nằm trên cloud, file nào nặng quá thì cho ra ổ cứng rời, chứ không có gì mà nằm trên máy cả. Nói cách khác, mình có thể mất máy nhưng file của mình thì vẫn sẽ luôn an toàn và sang máy mới chỉ cần setup cloud một cái là đâu lại vào đấy ngay.
Duy Lâm