Huawei đang gặp khó tại nhiều thị trường trọng điểm khi bị gạt ra khỏi danh sách các nhà thầu cung cấp thiết bị cho hạ tầng mạng 5G.
Và câu hỏi đặt ra là ngoài Huawei, các nhà mạng các nước có thể chọn giải pháp đến từ những hãng nào? Giới trong nghề chắc không lạ còn với anh em ta thì thông tin này khá ít. Mình tìm hiểu và phát hiện ra có khá nhiều cái tên quen thuộc tham gia cuộc đua 5G:
Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Technavio vào năm 2016 thì tính đến năm 2020, sẽ có ít nhất 5 nhà cung cấp thiết bị 5G lớn. Những công ty này được đánh giá dựa trên lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh trang thiết bị triển khai hạ tầng mạng 5G. Tất thảy đều đang phát triển công nghệ 5G nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối mạng không dây tốc độ cao cho nhiều loại thiết bị, nhiều ngành kinh doanh từ năng lượng, vận tải, tiện ích cho đến các nhà cung cấp thiết bị mạng và các nhà cung cấp mạng viễn thông với kết nối mạng di động 5G.
Không chỉ mạng di động, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã dần bước chân vào thị trường vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT) với công nghệ 4G/LTE hiện tại và sắp tới là 5G. Khi mà nhiều loại thiết bị hơn được kết nối, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hơn thì yếu tố bảo mật và riêng tư đang trở nên cấp thiết và là trọng tâm đầu tư của các nhà sản xuất thiết bị khi triển khai kết nối 5G trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Huawei và ZTE là 2 công ty Trung Quốc nắm giữ thị phần lớn trên thị trường cung cấp thiết bị mạng 5G nhưng hiện tại cả 2 đang ở giữa làn sóng tẩy chay tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều lệnh cấm được ban hành buộc các nhà mạng phải tìm giải pháp khác, an toàn hơn.
Huawei và ZTE là 2 tay chơi lớn trong cuộc đua 5G:
Huawei Technologies (Trung Quốc) được xem là tay chơi lớn nhất trong cuộc đua 5G ở nhiều phương diện từ chip băng tần (modem) 5G đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cả 2 kiến trúc mạng 5G là NSA và SA có tên Balong 5000 cho đến các thiết bị cho hạ tầng mạng 5G. Huawei đã đổ rất nhiều tiền vào công tác nghiên cứu công nghệ mạng 5G và mua lại các bằng sáng chế quan trọng để phát triển công nghệ này. Thêm vào đó, Tập đoàn Hoa Vĩ còn bạo chi khi thuê rất nhiều chuyên gia trên thế giới về làm việc cũng như tự mình đưa ra các tiêu chuẩn kĩ thuật cho 5G. Những con số dưới đây phần nào nói lên sức mạnh của Huawei, tham vọng của công ty này đối với mạng 5G trên toàn cầu khiến các đối thủ khác phải dè chừng:
Đến đầu năm 2017 thì 10% trong số 1450 sáng chế cơ bản về mạng 5G đã rơi vào tay người Trung Quốc, phần lớn thuộc về Huawei và ZTE;
Huawei đã chi khoảng 12 tỉ USD vào công tác nghiên cứu năm 2017, gấp 3 lần so với mức đầu tư của Ericcson tức 4,1 tỉ USD. Cũng trong năm 2018, theo ước tính Huawei chi thêm 800 triệu USD dành riêng cho hoạt động R&D công nghệ 5G.
Công ty cũng muốn đưa công nghệ AI vào 5G và đây là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển 5G của Huawei. Hãng này cũng đã lên kế hoạch ra mắt toàn bộ các trang thiết bị thương mại bao gồm mạng truy cập không dây, mạng lõi và các thiết bị để triển khai cũng như khai thác 5G.
Huawei cũng đã tiết lộ tham vọng ra mắt smartphone hỗ trợ 5G vào năm 2019 và bắt đầu bán vào giữa năm. Khả năng cao sẽ xuất hiện ngay trên dòng P30 sắp tới với modem Balong 5000.
Ngoài ra Huawei còn hợp tác với nhiều công ty và trường đại học để hiện thực hoá tham vọng 5G. Chẳng hạn như hợp tác với Qualcomm để thử nghiệm chéo khả năng hoạt động tương trợ giữa hệ thống 5G thương mại của Huawei và giao thức UE của Qualcomm trong hệ sinh thái 5G NR (5G New Radio – giao diện không gian – một phần của tần số vô tuyến kết nối giữa thiết bị di động và trạm phát sóng chủ động, được thiết kế để cải tiến hiệu năng, độ linh hoạt, khả năng mở rộng và hiệu quả của mạng di động hiện có) dựa trên tiêu chuẩn 3GPP.
Hãng hợp tác với Bell của Canada để thử nghiệm 5G tại Ontario, hợp tác với MTN để phủ sóng 5G tại Nam Phi dựa trên hạ tầng trạm hiện có, hợp tác với các nhà mạng như Bouygues của Pháp, Altice của Hà Lan để thử nghiệm 5G, hợp tác với VEON Ltd để thử nghiệm và tích hợp giải pháp 4,5 G và 5G với IoT … Ngoài ra Huawei còn làm việc với nhiều trường đại học trên thế giới để phát triển giải pháp 5G như Carleton tại Canada, đại học bách khoa Madrid (UPM), TBN. Tất cả những mối quan hệ hợp tác và đầu tư này đều nhằm mục đích phát hành mạng 5G sớm nhất có thể.
Ngay sau Huawei là ZTE, từ đầu năm 2017 hãng này đã giới thiệt một loạt các giải pháp chuẩn bị triển khai 5G, hỗ trợ đầy đủ các dải tần số từ cao đến thấp. Ngoài ra ZTE cũng đã tiến hành thử nghiệm 5G tại nhiều nơi, hợp tác với nhiều nhà mạng lớn để thúc đẩy thương mại hoá 5G sớm, tham vọng là ngay nửa đầu 2019. Giải pháp 5G của ZTE cũng rất rộng từ chip 5G như Xunlong 1020 cho đến các trạm phát, khuếch đại tín hiệu, thiết bị đầu nhận, giải pháp đám mây và dịch vụ.
Tuy nhiên, cả Huawei lẫn ZTE đều đã bị cấm cửa tại nhiều quốc gia, trước tiên là Mỹ, sau đó loạt các nước như Canada, Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu cũng đang cân nhắc cấm các công ty cũng như nhà mạng sử dụng thiết bị 5G của 2 hãng này vì những quan ngại về an ninh.
Không được chơi với Huawei lẫn ZTE, đâu là giải pháp thay thế?
Nokia Networks (Phần Lan)
Nokia đã tham gia cuộc đua 5G từ lâu, hãng này đã sử dụng một khu vực rộng 8000 ha để thực hiện các thử nghiệm 5G quan trọng hợp tác cùng Deutsche Telekom và chính quyền thành phố Hamburg theo dự án 5G MoNArch. Mục tiêu chính của dự án này là tăng hiểu biết về trải nghiệm mạng 5G trong môi trường thật. Những ứng dụng công nghiệp được dự án hướng đến như quản lý tín hiệu đèn giao thông, xử lý dữ liệu từ các cảm biến di động và VR.
Thêm vào đó, Nokia cũng triển khai kiến trúc mạng Future X đối với 5G nhằm mang lại độ phủ sóng rộng hơn và giảm chi phí. Future X bao gồm nhiều thứ như phần lõi mạng, 5G NR, mạng điều khiển bằng phần mềm (SDN) … Nokia còn công bố chipset ReefShark nhằm cung cấp thiết kế bán dẫn tham chiếu làm nền tảng cho công nghệ 5G cũng như kiến trúc Future X.
Đối với các ngành dọc, Nokia và China Mobile đã hợp tác triển khai các ứng dụng của 5G để mở ra các cơ hội kinh doanh mới, tập trung cung cấp các dịch vụ cho nhiều lĩnh vực đang lên như thành phố thông minh, vận tải thông minh và phân tích video thông minh. Cả 2 còn đi xa hơn với thoả thuận đầu tư mở rộng dịch vụ cho China Mobile đối với thị trường dọc, sử dụng kết nối băng thông rộng, tốc độ cao, độ ổn định cao và độ trễ thấp của 5G.
Tương tự Huawei, Nokia cũng hợp tác với nhiều nhà mạng và các trường đại học, tổ chức trên thế giới để phát triển 5G trong đó đáng chú ý là các hợp đồng như:
Tại Ả Rập Saudi, các nhà cung cấp viễn thông nước này đã yêu cầu Nokia trợ giúp nâng cấp hạ tầng mạng và kết quả là Nokia đã thắng nhiều gói thầu với nhiều nhà mạng tại đây chỉ trong vài tháng qua.
Tại Ấn Độ, Nokia mở cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Bangalore – đây là cơ sở thứ 4 của hãng trên toàn cầu sau 2 cơ sở tại châu Âu và 1 tại Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, SK Telecom đã ký biên bản ghi nhớ với Nokia để hợp tác phát triển công nghệ mạng 5G di động hướng đến dịch vụ thương mại vào năm 2020. Cả 2 tập trung đặc biệt vào các công nghệ sóng ngắn như cmWave, mmWave, sử dụng dải phổ tầng rộng từ 6 GHz trở lên.
Tại Mỹ, Nokia đã hợp tác với nhiều công ty viễn thông như T-Mobile và cả Intel để triển khai mạng 5G dùng tần số 28 GHz ngoài trời tại Bellevue, Washington. Cùng với T-Mobile, Nokia cũng đã thử nghiệm thành công truyền tải 5G 2 chiều dựa trên hệ thống 5G NR theo tiêu chuẩn 3GPP.
Thử nghiệm tương tự về mạng 5G tần số 28 GHz sóng mm và 3,5 GHz cũng đã được Nokia phối hợp cùng nhà mạng SFR, Pháp và Shaw Communications, Canada thực hiện thành công.
Nokia dường như đang có rất nhiều lợi thế về công nghệ 5G cả bên trong lẫn bên ngoài khi mà công ty Phần Lan chỉ còn dựa vào 5G để phát triển trong tương lai.
Ericsson (Thuỵ Điển)
Ericsson cho rằng hãng là đơn vị duy nhất hiện đang phát triển 5G trên toàn bộ các lục địa nhằm biến 5G thành tiêu chuẩn toàn cầu đối với công nghệ mạng không dây thế hệ tiếp theo. Các nguyên mẫu 5G của Ericsson là những sản phẩm đầu tiên được thiết kế giúp các bên khai thác tiến hành thử nghiệm thực địa với hạ tầng mạng của mình, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về tiềm năng của 5G trên hạ tầng mạng và môi trường. Với chuyên môn về mạng di động, rất nhiều công ty trên thế giới sẽ hợp tác với Ericsson. Chẳng hạn như:
Ericsson và Korea Telecom cùng Intel đã thử nghiệm kết nối xe hơi với mạng 5G ngay tại trung tâm thủ đô Seoul. Tại các môi trường đô thị đông đúc, video 4K đã có thể stream 2 chiều xuống phương tiện và trải nghiệm giải trí cho hành khách trên xe hơi hứa hẹn sẽ thay đổi nhờ tốc độ của 5G.
Cũng tại Hàn Quốc, Ericsson đã hợp tác với SK Telecom và BMW Hàn Quốc để sử dụng công nghệ 5G tiên tiến theo dấu một chiếc xe đang chạy ở vận tốc 170 km/h nhằm chứng minh tốc độ truyền tải dữ liệu trên mạng 5G. Ở tốc độ này, kết nối 5G vẫn cho tốc độ tải xuống đến 3,6 Gbps (450 MB/s).
Ericsson thử nghiệm 5G trên toàn cầu với rất nhiều đối tác, chẳng hạn như tại Đông Nam Á với Celcom Axiata Berhad của Malaysia, Batelco tại Bahrain, liên minh Tallink, Telia, Intel tại Estonia, Bharti Airtel tại Ấn Độ, NBN tại Úc, Movistar tại Argentina, …
Thêm vào đó Ericsson đã đăng ký và bảo vệ tất cả các nghiên cứu và phát minh của mình về 5G với các tổ chức như WIPO và USPTO. Được biết những sáng chế được Ericsson đệ trình lên các tổ chức bảo vệ tài sản trí tuệ này là sản phẩm của hơn 130 nhà phát minh của công ty và đây cũng là bộ sáng chế về công nghệ truyền thông lớn nhất xét về khía cạnh số lượng người tham gia phát minh trên toàn thế giới.
Cisco Systems (Mỹ)
Ngay tại MWC 2018, Cisco đã công bố loạt sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho công tác triển khai 5G trong các lĩnh vực tự động hoá và hạ tầng mạng viễn thông, cũng như giúp các nhà cung cấp dịch vụ 5G kiếm tiền tốt hơn.
Cisco cũng đã đạt được nhiều thành tựu như hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ mạng tại Anh để phủ sóng 5G tại các cộng đồng dân cư tại vùng sâu vùng xa ở VQ Anh, từ đó giúp kết nối ổn định những thứ như máy bay drone phục vụ trong canh tác, các công cụ kỹ thuật số, máy cày, đầu kéo vận hành tự động ..
Thêm vào đó Cisco cũng tập trung vào mảng bảo mật dữ liệu, hỗ trợ các nhà mạng bảo vệ dữ liệu người dùng. Một công nghệ độc đáo của Cisco đối với mảng này là 5G Security Architecture – kết hợp AI với deep learning để tạo ra một mạng phối hợp các tài nguyên vật lý và ảo với năng lực ngang nhau. Từ đó việc quản lý một hạ tầng mạng sẽ trở nên bớt rủi ro hơn trước những rủi ro bảo mật như rò rỉ dữ liệu, DDoS, malware, Botnet bởi bộ phận IT sẽ có nhiều công cụ để phát hiện lỗ hổng hay tấn công và thời gian phát hiện rút xuống chỉ còn 4 giờ thay vì 100 đến 200 ngày.
Cisco cũng liên minh với nhiều công ty để cung cấp giải pháp 5G và nghiên cứu phát triển công nghệ này, chẳng hạn như hợp tác với Saudi Telecom để phát triển hệ thống và mạng 5G tại Ả Rập Saudi; hợp tác với Airtel tại Ấn Độ, Vodafone và nhiều công ty phát triển công nghệ tự động trên xe hơi để vận hành từ xa một chiếc BMW trên đường thử tại Dusseldorf thông qua mạng di động 5G. Cisco còn tăng cường hợp tác với Rackspace để cung cấp các giải pháp bảo mật tiên tiến cho môi trường điện toán đa đám mây.
Samsung Electronics (Hàn Quốc)
Bộ phận nghiên cứu và phát triển thiết bị mạng của Samsung đã được đầu tư lớn để phát triển 5G. Mặc dù mảng kinh doanh mạng của Samsung khá nhỏ nếu so với các mảng di động và bán dẫn (giá trị thị trường của mảng này chỉ 37 tỉ USD trong khi mảng smartphone đến 450 tỉ USD). Tuy nhiên, với việc phát triển và triển khai thiết bị mạng 5G thì Samsung có thể kéo các mảng kinh doanh khác lên, từ smartphone đến IoT. Tham vọng của Samsung là trở thành 1 trong số 3 nhà cung cấp thiết bị mạng di động lớn nhất toàn cầu vào năm 2022.
Samsung hiện tại đã ra mắt một số giải pháp bao gồm trang thiết bị cho hạ tầng mạng 5G hoạt động ở các tần số 3,5 GHz và 28 GHz cho nhà mạng. Công ty cũng đang phát triển các công nghệ tần số như 2,5 GHz, 37 GHz và 40 GHz. Tính đến nay, Samsung đã đầu tư khoảng 25 ngàn tỉ won (22 tỉ USD) vào các mảng công nghệ mới nổi bao gồm 5G và AI.
NEC, Qualcomm và Broadcom:
Ngoài ra còn có những cái tên như NEC Corp của Nhật Bản, hiện tại NEC đang hợp tác với nhiều nhà mạng như NTT Docomo để thử nghiệm 5G trên các đoàn tàu cao tốc với hệ thống trạm phát dùng ăng-ten AAS, mạng C-RAN và CU kiểm soát nhiều DU tương tự như Nokia. Ngoài ra, NEC cũng đã thử nghiệm thành công điều khiển hệ thống máy móc xây dựng từ xa bằng kết nối 5G tại Nhật.
Qualcomm không tham gia vào lĩnh vực trang thiết bị cho nhà mạng mà thay vào phát triển các giải pháp chip băng tần 5G cho thiết bị di động. Qualcomm cũng đã giới thiệu dòng Snapdragon X50 5G trước cả Balong 5000 của Huawei. Hiện tại Qualcomm đang hợp tác với 18 nhà mạng và 20 nhà sản xuất thiết bị như ASUS, Samsung … để đưa những chiếc điện thoại 5G đầu tiên vào thị trường ngay trong năm nay.
Broadcom trong khi đó đánh cược vào một ván bài khác khi đầu tư đến 1,5 tỉ USD vào hoạt động sáng tạo, hướng dẫn và giáo dục cho thế hệ kỹ sư tiếp theo tại Mỹ về công nghệ không dây trong tương lai, từ đó giúp Mỹ trở thành đầu tàu về công nghệ mạng di động. Trước mắt Broadcom đang nghiên cứu về 5G dưới sự hợp tác cùng Qualcomm và thành quả đáng chú ý là switch tần số 5G đầu tiên dành cho hạ tầng mạng 5G.
Nguồn: Greyb và nhiều trang khác