Huawei, Xiaomi, OPPO, Vivo… là những tên tuổi có mặt trong top 10 thế giới. Họ có nhiều sản phẩm thực sự tốt, có thể chinh phục người mua dễ tính và/hoặc hạn hẹp kinh phí. Nhưng trên phân khúc cao cấp, iPhone, Galaxy S/Note và Pixel vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Vì sao có nghịch lý này?
Những người đã từng nghiên cứu về quản trị chắc chắn phải biết đến định luật Pareto: 20% nguyên nhân dẫn tới 80% kết quả. Định luật này có rất nhiều cách áp dụng: ví dụ, một phần lớn vấn đề trong dự án của bạn là do một số ít nguyên nhân gây ra. Hoặc, để làm được phần lớn đầu việc cần có, bạn thực chất chỉ cần bỏ ra một khoảng nhỏ thời gian trong tổng thời gian cho phép.
Điều ít ai nhận ra, là Pareto có thể được áp dụng một cách hoàn hảo vào thế giới smartphone.
Hãy nhìn vào sự trỗi dậy của các tên tuổi tương đối mới từ Trung Quốc như Xiaomi, OPPO/Vivo/OnePlus hay vị thế ngày một đặc biệt của Huawei. Các nhãn hiệu của Trung Quốc vẫn vươn lên tràn ngập top 10 thế giới về doanh số smartphone. Không khó để nhìn ra lý do: họ có chính sách giá hấp dẫn, luôn cung cấp cấu hình mạnh và đặc biệt là thị trường nội địa rất màu mỡ.
Nhưng smartphone Trung Quốc chưa thực sự vươn lên làm chủ toàn bộ thị trường: họ không thể bước lên phân khúc cao cấp dù đã có thể tạo ra các sản phẩm có mức chất lượng từ “khá” trở lên. Với tâm lý chuộng cấu hình và trào lưu ngày một tiến gần đến Android gốc, smartphone Trung Quốc thực chất đã đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của nhóm người dùng không dư dả. Ấy vậy mà Xiaomi Mi Mix hay Huawei Note chưa bao giờ được coi là đối thủ nghiêm túc của iPhone hay Galaxy S/Note.
Càng nhìn sâu, bạn sẽ càng thấy vô lý. Thực chất, giá linh kiện chỉ chiếm một phần nhỏ trên giá bán ra, và chạy đua cấu hình trên Android luôn là rất dễ dàng nếu nhà sản xuất mang tâm lý chấp nhận hy sinh lợi nhuận. Chu trình sản xuất tại “công xưởng thế giới” cũng đã đạt mức nhuần nhuyễn; nhiều OEM/ODM chắc chắn cũng đã thu hút được nguồn nhân công lành nghề.
Tức là, mọi điều kiện cần có để tạo ra những chiếc smartphone đủ tốt đã xuất hiện. Và điều này lý giải vì sao điện thoại Trung Quốc tràn ngập 2 phân khúc cấp thấp và tầm trung.
Nhưng đó mới chỉ là 80% thị trường dành cho những chiếc điện thoại mới đáp ứng đủ 80% nhu cầu của những người dùng khó tính nhất. Để cạnh tranh trên phân khúc cao, một thương hiệu không được dừng ở “đủ tốt” – nguyên tắc này luôn đúng với trường hợp của HTC và Sony trước đây cũng như Xiaomi, Huawei hiện tại. Sản phẩm cao cấp cần có những tính năng riêng, ví dụ như S Pen hoặc màn hình InfinityDisplay của Samsung hay chip A11, camera bokeh của Apple. Sản phẩm cao cấp cần có độ tối ưu phần mềm rất cao để đảm bảo trải nghiệm dễ chịu nhất cho người dùng.
Các thương hiệu Trung Quốc đã làm được 20% đầu tiên: tạo ra một chiếc điện thoại đủ tốt, phục vụ 80% nhu cầu người dùng.
Theo đúng định luật Pareto, để đạt được những yếu tố thực sự cao cấp này – vốn chỉ là 20% giá trị sử dụng, mỗi nhà sản xuất sẽ phải bỏ ra thêm 80% công sức/thời gian/tiền của. Đem cấu hình cao lắp ráp lên bảng mạch và chỉnh sửa phần mềm để tương thích với Android của Google mới chỉ là 20% trong định luật Pareto mà thôi. Muốn tạo ra A11 Bionic, Apple phải có truyền thống thiết kế chip và một bản hợp đồng đặc biệt với ARM. Muốn tạo ra trải nghiệm S Pen như Note8, Samsung phải tìm được cách tích hợp lớp cảm biến 4.096 điểm lực nhấn và phải tự tạo ra phần mềm hỗ trợ tốt nhất cho chiếc Note.
Cả 2 ông lớn thống trị thị trường đều là những thế lực thiết kế. Và mới đây, cả 2 vừa cùng nắm tay nhau bước lên ngôi vương về ảnh chụp – ít nhất là xét trên điểm DxO.
Tương phản hoàn toàn là nỗ lực của Huawei và Xiaomi trên tầm cao (bộ 3 OPPO/Vivo/OnePlus hiện tại gần như không có sản phẩm nào tại phân khúc cao cấp thực thụ cả). Phần mềm trên các mẫu Mate, Mi và Mi Mix luôn luôn bị chê bai thảm hại. Mate 9 bị chê màn hình kém, Mi Mix bị chê về camera.
Nhưng không phải ai cũng có thể bỏ ra thêm 80% thời gian để tạo ra 20% giá trị còn lại - 20% của siêu phẩm.
Đến nay, cả Huawei, Xiaomi lẫn OPPO/Vivo/OnePlus vẫn tiếp tục bộc lộ sức ảnh hưởng rõ rệt từ Apple và Samsung trên khía cạnh thiết kế.
Kết quả là Apple và Samsung vẫn cùng nhau tiếp tục thống trị phân khúc cao cấp. Đã có một lần nào Huawei và Xiaomi dám công bố doanh số điện thoại đắt tiền? Không thực sự vươn lên được phân khúc màu mỡ này, các hãng Trung Quốc cũng chẳng thể tạo ra lãi “khủng” như Apple và Samsung. Kết thúc quý 1 vừa qua, Apple chiếm đến 83% lợi nhuận của toàn bộ ngành công nghiệp smartphone (số liệu Strategy Analytics) trên 15% thị phần toàn cầu. Samsung vì sự cố Note7 nên tụt xuống còn 13%. Tất cả các hãng Trung Quốc đều lỗ hoặc không thể đạt nổi 5%, trong khi chỉ riêng thị phần của Huawei, OPPO, Vivo (chưa tính Xiaomi) cộng lại đã lên đến 24%.
Một lần nữa, nghịch lý này lại đúng với định luật Pareto: tạo ra một chiếc điện thoại cấu hình mạnh đáp ứng được nhu cầu của phần đông người dùng hóa ra là… không khó. Các hãng Trung Quốc như vậy là đã tạo ra được 80% giá trị của một chiếc smartphone cao cấp. Song, cuộc chơi cao cấp không chỉ dừng ở việc lắp ráp chip, RAM, bảng mạch và camera lên một thiết kế mang “màu sắc” iPhone. Để thực sự có nét riêng, có đầy đủ những thế mạnh cần có trên phân khúc cao cấp, Xiaomi, Huawei, OPPO/Vivo/OnePlus đã không thể tạo ra 20% giá trị – tương đương với phần việc 80% khó khăn còn lại.
Và đó là lý do Apple cùng Samsung bắt tay nhau thống trị phân khúc cao cấp, chiếm hết lợi nhuận của thế giới smartphone. Đối thủ thực sự xứng tầm với 2 gã khổng lồ này? Không phải là bất cứ một tên tuổi nào trong top 10 thế giới mà là Google, vốn mới chỉ bán được chưa đầy 3 triệu mẫu Pixel. Vì sao ư? Vì Google có hàng tỷ USD vốn R&D và hàng nghìn con người tài năng. Google có tiềm lực để đi thêm 80%, tạo ra 20% hoàn hảo cạnh tranh với Samsung và Apple.