Project Loon từng bị xem như một ý tưởng viển vông, nhưng đến hiện tại, người ta cần thay đổi suy nghĩ này.
Khi Google lần đầu tiên tiết lộ tham vọng của họ trong việc sử dụng khinh khí cầu tầm cao để phủ sóng internet tới những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất trên thế giới, người ta xem đó như một ý tưởng viển vông điên rồ.
Tuy nhiên, sau 4 năm, Project Loon đã có bước phát triển đáng ghi nhận và đang chứng tỏ tiềm năng của mình.
Vào thứ hai vừa qua, Sundar Pichai – phó chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm của Google cho biết “các tháp di động lơ lửng trên bầu trời” của họ có thể duy trì trạng thái này lên đến 6 tháng (mốc kỉ lục 187 ngày). Đây thật sự là tiến bộ vượt bậc nếu so sánh với khoảng thời gian ít ỏi vài ngày trong giai đoạn đầu.
Nếu như dự án Google Glass cần được tái thiết hay sẽ còn mất nhiều năm để thấy rõ tiềm năng thương mại của xe tự hành thì Project Loon lại đang chứng tỏ mình là một công nghệ đột phá có khả năng ứng dụng thực tế.
Trong một chuyến “mục sở thị” gần đây của The Verge tới địa điểm Google đang thực hiện Project Loon, Mike Cassidy – người đứng đầu Project Loon đã kể về những khó khăn nhóm ông gặp phải trong quá trình nghiên cứu dự án.
Dẫu sao, đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang phát triển theo chiều hướng tích cực và họ đã có thể mường tượng tới thời điểm những chiếc khinh khí cầu Internet được đưa vào kinh doanh – giai đoạn được dự đoán có thể mang lại cho Google khoản doanh thu kếch xù 10 tỷ USD/năm.
Ông lớn Google mong muốn hợp tác cùng các công ty viễn thông và thông qua khinh khí cầu, mang dịch vụ LTE của những doanh nghiệp trên tới những khu vực họ ít khi tiếp cận. Ý tưởng này sẽ giúp công ty viễn thông tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng tháp truyền phát sóng hay cáp quang khi muốn tiếp cận các khu vực xa xôi.
Được biết, Google đã cùng một vài doanh nghiệp viễn thông như Vodafone tại NewZealand, Telstra ở Australia hay Telefonica tại Mỹ Latin chạy thử nghiệm dự án và họ đang tiếp tục đàm phán nhằm đi tới những thỏa thuận thương mại với các nhà mạng khác. Theo đó, Google sẽ chia một phần doanh thu kiếm được từ khách hàng cho các doanh nghiệp cung cấp băng tần LTE.
Mike Cassidy chia sẻ: “Hãy thử tưởng tượng, chỉ cần 5% của 4,5 tỷ người đang không được tiếp cận Internet trên thế giới, tức khoảng 250 triệu người, đồng ý trả một số tiền nhỏ trong khoản thu nhập hàng tháng của họ, chẳng hạn như 5 USD, thì bạn đã có doanh thu 1 tỷ USD/tháng, 10 tỷ USD/năm. Đây thật sự là một dự án kinh doanh đầy hấp dẫn.”
Hiện nay, để mỗi quả khinh khí cầu hoạt động, Google phải tiêu tốn tới 10.000 USD. Tuy nhiên, họ cũng đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đồng nghĩa mức chi phí này nhiều khả năng sẽ được giảm đáng kể. Google tin Project Loon sẽ là một dự án kinh doanh lớn, thậm chí lớn hơn cả Youtube – dự án có doanh thu 4 tỷ USD mỗi năm.
Cassidy còn cho hay các quốc gia phát triển cũng hứng thú với dịch vụ của Project Loon, tiêu biểu phải kể đến việc các quan chức Nhật Bản hết sức quan tâm tới dự án khi nó có thể cung cấp dịch vụ Internet trong trường hợp hệ thống hạ tầng của quốc gia này bị phá hủy bởi những cơn bão.
Theo Cassidy, dù một số người chỉ coi Google X – đơn vị trực thuộc Google, phụ trách các dự án như liên lạc thông minh, xe tự hành hay khí cầu Internet (Project Loon) – như một phòng nghiên cứu thường xuyên đưa ra những ý tưởng điên rồ nhưng thực tế không đúng như vậy.
Theo Genk