Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay đổi cách chúng ta chụp ảnh mãi mãi.
Công Nghệ – Có hai xu hướng lớn trong nhiếp ảnh ngày nay. Đầu tiên là việc bùng nổ số lượng ảnh được chụp, up lên các mạng xã hội, dịch vụ chia sẻ và lưu trữ hình ảnh.
Tôi thậm chí còn không thèm để ý xem bao nhiêu tỷ tấm ảnh được tải lên mỗi phút, mỗi ngày hay mỗi năm. Đơn giản vì chúng quá nhiều.
Điều này phản ánh việc có bao nhiêu ảnh ngoài kia và chúng ta đang chết chìm trong số lượng khổng lồ ấy như thế nào.
Điều này không đúng, trừ khi bạn là một con nghiện Instagram bằng không phần lớn hình ảnh ta thấy mỗi ngày thường từ các quảng cáo, tin tức, giải trí.
Bạn có thể thấy vài trăm trong số hàng tỷ bức ảnh được chụp từ người khác nhưng bức ảnh quảng cáo cho một bộ phim bom tấn có thể được thấy bởi hàng tỷ người trên trái đất hay bức ảnh chụp cô người mẫu vô cùng xinh đẹp do chính bạn thực hiện lại chỉ được vài người chiêm ngưỡng.
Rõ ràng con số hàng tỷ bức ảnh ở trên không ảnh hưởng nhiều tới mặt sử dụng hằng ngày của chúng ta.
Tất nhiên hàng tỷ bức ảnh được tải lên thể hiện rõ bất kỳ ai cũng có thể là người tạo ra hình ảnh. 50 năm trước, chỉ 1 -2% dân số thế giới có khả năng chụp được những tấm ảnh. Hiện tại, có số ấy là 20 – 80% và còn tiếp tục tăng nữa.
Giờ đây bất cứ ai trên trái đất đều có thể sở hữu bức ảnh do chính mình chụp ra, phần lớn các sự vật từ con đường, chiếc xe, căn nhà, bãi biển, thác nước, … đều được chụp lại.
Nếu chưa là tất cả thì điều đó cũng sẽ thành hiện thực sớm thôi. Vấn đề không phải quá nhiều ảnh mà là vì có quá nhiều người chụp ảnh.
Tạm gác xu hướng đầu tiên lại, chúng ta sẽ nhìn sang xu hướng lớn thứ hai trong nhiếp ảnh: trí tuệ nhân tạo – AI.
Trong các mẫu smartphone cao cấp mới ra mắt gần đây đều có sự hiện diện của AI, từ chế độ Portrait trên iPhone tới khả năng chụp thiếu sáng bá đạo của Google Pixel.
Chúng ta đang thay đổi từ một thế giới ở đó việc chụp ảnh bó gọn trong từng pixel của cảm biến và thường có thêm một vài thuật toán xử lý.
Ở thế giới mới, nhiều thông tin được nhồi vào từng pixel hơn và sau đó luân chuyển tới thuật toán trí tuệ nhân tạo và chúng sẽ xử lý để cho ra kết quả mỹ mãn đã được học từ trước.
Có thể trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến thế hệ cảm biến mới được thiết kế để gánh vác nổi những tác vụ như vậy.
Chúng có thể được chia thành các phần lớn dành cho độ nhạy sáng, phần nhỏ điểm ảnh còn lại dành cho việc tái tạo chi tiết.
Cấu trúc cảm biến Bayer hiện tại sẽ được thay thế bằng thế hệ mới, tiên tiến hơn.
Dù thế nào thì việc AI được ứng dụng vào trong cảm biến sẽ là lẽ tất yếu.
Một bức ảnh giờ đây có thể được tập hợp từ nhiều tấm ảnh khác, một số được chụp từ nhiều điểm ảnh có kích thước khác nhau, một số sẽ thiếu sáng, số khác dư sáng, số còn lại sẽ thu nhận màu sắc, …
Tất cả sau đó sẽ được AI xử lý và ghép lại thành một tấm ảnh hoàn hảo từ màu sắc, ánh sáng, tương phản, chi tiết.
Rõ ràng việc chụp ảnh có thể phức tạp và “thô sơ” hơn rất nhiều so với việc chup ảnh RAW của nhiều nhiếp ảnh gia hiện tại.
Mà dù cảm biến máy ảnh có được phát triển theo hướng trên hay không thì việc AI được ứng dụng vào xử lý hình ảnh vẫn sẽ là tương lai, là thứ gắn liền với việc chụp ảnh của chúng ta thời gian tới.
Một ví dụ đơn giản, tôi đã dùng một công cụ chỉnh sửa ảnh trực tuyến có ứng dụng AI để tút tát lại một bức ảnh chụp trái cây.
Tôi đã cố tình giảm độ phân giải xuống bé xíu, chỉ 100 x 80 pixel. Và công cụ có AI này đã gửi lại tôi tấm ảnh có độ phân giải 400 x 320 pixel, tức lớn hơn nhiều so với ảnh gốc.
Kết quả cho ra nhìn vẫn hơi soft, không thực sự sắc nét nhưng dù sao nó cũng tốt hơn nhiều so với tấm ảnh lúc đầu tôi đưa vào.
Bên dưới là kết quả tôi nhận được, cùng wow với tôi nào!
Chúng ta có thể nhìn thấy được AI dường như đã “vẽ” lại để tạo nên bức ảnh lớn hơn cũng như độ chi tiết, sắc nét được cải thiện đáng kể.
Nó (AI) đã được học về những loại trái cây, về cách chúng hiển thị như thế nào ngoài đời thực, và dường như chỉ chờ cho tới khi đối tượng xuất hiện, nó bắt đầu áp dụng những gì được học để biến một bức ảnh không thể nào tệ hơn của tôi trở thành tấm ảnh nhìn ổn hơn rất nhiều.
Nhưng đây mới là điểm mấu chốt: Bức ảnh sau khi xử lý trông giống thật nhưng nó không hề có thật.
Những trái cây trong hình trông không hề giống như vậy. Có hai phạm trù AI có thể được làm được mà chúng ta không hề mong muốn.
Một là “Nếu chúng làm sai thì sao?” và “Nếu chúng làm đúng thì sẽ như thế nào?”.
Nếu sai thì khá dễ hiểu bởi AI can thiệp vào có thể tạo nên sự thích thú cho người dùng nhưng rõ ràng là nó đang làm sai kiểu như từ hình chụp một khẩu súng đồ chơi bị mờ nhòe, qua “bàn tay ma thuật” lại trở thành bức ảnh của một khẩu súng thật dựa trên những gì mà AI được dạy.
Điều này nghe có vẻ vui nhưng sẽ như thế nào khi hình ảnh xuất hiện tại một phiên tòa xét xử, nơi yêu cầu sự thật ở mức cao nhất?
Còn về việc AI làm đúng, bạn thấy như nào khi lấy smartphone chụp người yêu của mình và kết quả cho ra một làn da được làm mịn màng, đôi môi trông nóng bỏng, căn mọng hơn, đôi mắt to, đen và sâu mà bạn không thể bật/tắt khả năng làm đẹp đó.
Bạn sẽ thích kết quả ảo diệu ấy hay không, còn tùy thuộc vào mỗi người đúng không nào.
Nhiều người tỏ ra không hài lòng khi nhìn hình ảnh bản thân mình trên Snapchat.
Nền tảng này thường áp vào tấm ảnh người dùng tải lên một lớp làm mịn trông giả tạo như nhựa, làm con mắt trở nên lo lắng.
Thật sự mọi thứ đang dần đi xa vẻ đẹp tự nhiên, chân thật mà tương lai nhiều khi chúng ta chỉ có thể tìm thấy điều đó trong những chiếc gương không được gắn mác thông minh.
Bây giờ hãy thử gộp chung hai xu hướng ở trên lại với nhau.
Có thể 5 năm tới, hầu hết các máy ảnh đều sẽ được tích hợp AI, hoạt động như một công nghệ chủ chốt, có thể chỉ là chế độ cộng thêm hay ứng dụng vào khía cạnh khác mà hiện thời chúng ta chưa hình dung ra.
Điều này có nghĩa rất rất nhiều bức ảnh sẽ đều qua tay AI để xử lý trở nên hấp dẫn hơn theo như những gì chúng ta đã dạy nó.
Nếu điều đó xảy ra sau 5 năm hay thậm chí 10 năm tới, không chỉ tất cả mọi thứ, mọi người đều được chụp lại mà tất cả chủ thể trong bức ảnh còn bị làm méo mó đi, không còn giống với thực tế nữa dù chúng ta muốn hay không. Mọi bức ảnh chụp chân dung cô gái sẽ tự động đẹp đúng chuẩn đã được lập trình sẵn từ trước.
Mọi bức ảnh phong cảnh sẽ trở nên sạch sẽ, màu sắc hấp dẫn. Hay bức ảnh chụp đêm sẽ sáng rõ như ban ngày, sắc nét, nhiều chi tiết và ít nhiễu hạt như điều mà chúng ta mong chờ bấy lâu tuy nhiên đó chỉ là sản phẩm được make up quá tay bởi AI.
Chúng ta sẽ có hàng tỷ thiết bị chụp ảnh được cung cấp bởi hàng tá nhà các sản xuất phần cứng, và mỗi nhà sản xuất lại có nhiều phiên bản phần mềm và thuật toán khác nhau. Điều đó dễ dẫn tới việc AI làm sai, hay đôi khi là hành xử khá tệ, một vài lúc nó sẽ ứng xử đúng như những gì được học với kết quả khó mà chấp nhận được.
Điều khiến nhiếp ảnh khác với hội họa chính là việc tạo nên bức ảnh bằng ánh sáng từ thế giới thực. Tất nhiên đó cũng chỉ là một quan điểm và ảnh chụp ra có thể bị cắt nhỏ lại hay bị mờ nhòe, thậm chí có thể bị nhân bản ra, bị nhái lại bằng việc vẽ. Ảnh trong nhiếp ảnh có hạn chế riêng của nó nhưng nó đáng tin. Trong thế giới mới với tốc độ dạy AI tăng nhanh chóng, nó sẽ dễ dàng thổi bay điều này, không còn là nhiếp ảnh nữa, sẽ chỉ còn hình ảnh giống thật được vẽ ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Các nhà sản xuất đang tiến gần tới việc khiến chúng ta tin vào những gì AI tạo ra trong việc tạo ra hình ảnh bởi đó chính là nhiệm vụ của những người lập trình ra AI. Như hình ảnh bên dưới được chụp ra đúng không? Nó có thể là sự thật ở một chừng mực nào đó nhưng hoàn toàn không đáng tin cậy.
Những cỗ máy học đào tạo AI đang được điều khiển, lập trình bởi những người đàn ông trẻ, da trắng tại Mỹ tạo nên một thứ dùng cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người già, không phải da trắng trên toàn thế giới. Ngay cả khi bạn là người theo “chủ nghĩa sự thật”, có lúc bạn cũng sẽ phải dùng tới thiết bị chụp ảnh được lập trình để tạo nên bức ảnh selfie trông không hề giống bạn ngoài đời.
Nó (AI) trong nhiếp ảnh sẽ dẫn tới những kết quả ảnh hưởng tới xã hội, đạo đức, văn hóa và luật pháp. Chúng ta chỉ chưa biết cụ thể nó như thế nào mà thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Andrew Molitor, một nhà lập trình phần mềm đồng thời cũng là nhiếp ảnh gia