Phải chăng đây là do sự hạn chế về công nghệ hay vì một lý do nào khác ẩn giấu đằng sau điều đó?
Hầu hết pin của các smartphone hiện nay đều sẽ xuống cấp nhanh chóng sau một năm sử dụng bất chấp hàng loạt cải tiến được các nhà sản xuất áp dụng.
Chỉ cần bỏ ra ít phút dạo quanh các trang web về công nghệ, chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm bài báo có nội dung xoay quanh việc “làm thế nào để kéo dài thời lượng pin smartphone” với hàng trăm lời khuyên khác nhau. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hàng tá lời phàn nàn của người dùng smartphone về thời lượng pin cứ ngày một xuống cấp theo thời gian.
Trên thực tế, đa số người dùng smartphone hiện nay đều phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên đó là thời lượng pin của chiếc điện thoại mà họ đang sử dụng sẽ ngày một thấp hơn theo thời gian, chủ yếu do họ không có sự lựa chọn. Đa số các smartphone khi mới mua về có thể hoạt động nguyên một ngày, sau đó khoảng thời gian này cứ dần ngắn lại theo thời gian và cuối cùng tới mức người dùng phải cắm sạc mới gọi được điện thoại.
Tình trạng này không phải hiện tại mới xuất hiện mà đã kéo dài từ rất lâu, thậm chí từ thời điểm chiếc điện thoại di động đầu tiên ra đời.
Theo nhà phân tích James Kendrick của trang ZDNet, nhiều máy tính xách tay và máy tính bảng hiện nay đều có thời lượng pin tương đối khá và xu hướng trong tương lai cho thấy laptop và tablet trong tương lai có thể hoạt động nhiều ngày, thậm chí cả tuần cho một lần sạc. Tuy nhiên, smartphone lại hoàn toàn nằm ngoài xu hướng đó.
Vậy tại sao pin smartphone lại không được các nhà sản xuất như cải thiện như laptop và máy tính bảng?
Ông James Kendrick cho rằng các nhà sản xuất điện thoại hoàn toàn có thể tạo ra những loại pin có thể giúp điện thoại hoạt động lâu hơn, nhưng vấn đề ở chỗ họ không có động lực gì để làm điều đó. Hơn nữa, việc tạo ra những loại pin có tuổi thọ dài ngược lại sẽ trở thành điểm bất lợi cho họ.
Hầu hết những laptop và máy tính bảng hàng đầu hiện nay có thể hoạt động liên tục trong hơn 10 tiếng đồng hồ, và như vậy là quá đủ cho tất cả người dùng. Thậm chí, nếu pin có yếu đi theo thời gian, thì nó vẫn đủ sức duy trì cả ngày. Với smartphone thì lại là một câu chuyện khác, khi người dùng thấy điện thoại của họ cứ vài giờ sử dụng lại phải sạc một lần, thông thường họ sẽ nghĩ đến việc thay thế nó bằng một chiếc smartphone mới.
Theo ông Kendrick, trong trường hợp này, không những người dùng mong muốn và khao khát một chiếc điện thoại mới sáng bóng và đẹp đẽ hơn chiếc điện thoại cũ kỹ, mà bằng kinh nghiệm họ hiểu rằng, vấn đề pin yếu của họ sẽ được giải quyết khi họ mua một chiếc điện thoại mới.
Đó chính là lý do vì sao các nhà sản xuất smartphone không muốn tạo ra những loại pin có thể khiến người dùng gắn bó mãi mãi với một chiếc smartphone giống như với laptop hay tablet. Họ buộc phải làm vậy để duy trì chu kỳ thay thế hai năm một lần đối với một mẫu smartphone. Một chiếc smartphone có pin “siêu khủng” có thể giết chết chu kỳ đó.
Chính vì vậy, thay vì tạo ra những loại pin mới, các nhà sản xuất smartphone chỉ đơn giản lờ đi hoặc biện minh rằng họ không có công nghệ pin mới. Trên thực tế, đây chỉ là một chiêu bài giúp thúc đẩy doanh số bán cho những smartphone mới ra mắt. Họ rất vui khi người dùng tìm mua smartphone mới để thay thế cho smartphone cũ. Họ cũng không cố tình làm như vậy để làm thiệt hại cho người dùng, mà đơn giản đó chỉ là một chiến lược kinh doanh bình thường. Họ chỉ hy vọng người dùng không nhìn ra những gì họ đã và đang làm mà thôi.
Theo vietnamnet